Nhân khẩu Người_Indonesia_gốc_Hoa

Trong điều tra nhân khẩu 2000, nhóm tuổi đông nhất trong cộng đồng người Hoa Indonesia là 15-19 tuổi.[73]

Điều tra nhân khẩu Indonesia 2000 tường thuật có 2.411.503 công dân (1,20% tổng dân số) thuộc dân tộc Hoa.[lower-alpha 4] Ngoài ra, có thêm 93.717 người Hoa cư trú tại Indonesia được tường thuật là công dân ngoại quốc, hầu hết là Trung Quốc và Đài Loan, những người này có thể không có khả năng trả phí để trở thành một công dân Indonesia.[74] Do điều tra nhân khẩu sử dụng phương thức tự xác định, những người từ chối nhận định bản thân thuộc dân tộc Hoa, hoặc nhận dạng là các dân tộc khác, thì không được ghi là người Hoa.[2] Cũng có khả năng một số người không tự xác định bản thân là người Hoa vì lo ngại ảnh hưởng của bạo lực bài Hoa năm 1998.[75] Theo dữ liệu tập hợp từ điều tra nhân khẩu giữa kỳ vào năm 2005, dân số người Hoa Indonesia giảm còn khoảng 2,31 triệu. Sự suy giảm này có phần đóng góp của tỷ suất sinh giảm, người Hoa di cư ra ngoại quốc, và có thể bị đánh giá thấp do dữ liệu được tập hợp như một nghiên cứu thay vì điều tra chính thức.[76]

Các ước tính trước đây về số lượng chính xác người Hoa Indonesia dựa trên một điều tra nhân khẩu Đông Ấn Hà Lan 1930, trong đó thu thập thông tin trực tiếp về dân tộc.[77] Cuộc điều tra này tường thuật có 1,23 triệu người tự xác định thuộc dân tộc Hoa cư trú trong thuộc địa, chiếm 2,03% tổng dân số, và được cho là một tính toán chính xác về dân số của nhóm.[78] Thông tin về dân tộc không được tiếp tục thu thập cho đến điều tra nhân khẩu năm 2000, và do đó được suy ra từ các dữ liệu điều tra khác, như ngôn ngữ nói và liên kết tôn giáo, trong các năm ở giữa.[79] Trong một nghiên cứu về thiểu số người Hoa Indonesia, nhà nhân loại học G. William Skinner ước tính có từ 2,3 triệu (2,4%) đến 2,6 triệu (2,7%) cư trú tại Indonesia vào năm 1961.[80] Cựu ngoại trưởng Adam Malik cung cấp một số liệu 5 triệu trong một tường trình phát hành trên nhật báo Harian Indonesia vào năm 1973.[81] Nhiều nguồn truyền thông và hàn lâm sau đó ước tính từ 4-5% tổng dân số là người Hoa bất kể năm.[79] Các ước tính trong thập niên 2000 đưa ra số liệu từ 6 đến 7 triệu,[82] và Ủy ban Kiều vụ của Đài Loan ước tính dân số người Hoa Indonesia cao đến 7,67 triệu vào năm 2006.[83]

Khu vực người Hoa tại Medan, Bắc Sumatra, vào năm 1925; Thành phố là một trung tâm lớn của người Hoa trên đảo.

Xấp xỉ một phần năm người Hoa Indonesia cư trú tại thủ đô Jakarta trên đảo Java. Nếu tính toàn bộ các tỉnh trên đảo Java, số lượng người Hoa chiếm gần một nửa (45,92%).[84] Ngoài đảo Java, người Hoa tại các tỉnh Tây Kalimantan, Bắc Sumatra, Riau, Quần đảo Bangka-Belitung, và Nam Sumatra chiếm thêm 45,16%. Quần đảo Bangka–Belitung là tỉnh tập trung người Hoa cao độ nhất (11,75% dân số toàn tỉnh), tiếp đến là Tây Kalimantan (9,62%), Jakarta (5,83%), Riau (4,11%), và Bắc Sumatra (3,07%). Tại mỗi tỉnh còn lại, người Hoa Indonesia chiếm 1% hoặc thấp hơn dân số toàn tỉnh.[85] Hầu hết người Hoa Indonesia tại Bắc Sumatra cư trú tại tỉnh lỵ Medan, song họ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ do dân số trong tỉnh tương đối lớn.[84] Bangka–Belitung, Tây Kalimantan, và Riau tập hợp quanh trung tâm hoạt động kinh tế của người Hoa tại Singapore, và ngoại trừ Bangka–Belitung, các khu dân cư này tồn tại từ lâu trước khi hình thành Singapore vào năm 1819.[86]

Dân số người Hoa Indonesia tăng trưởng 4,3% mỗi năm từ năm 1920 đến 1930. Sau đó, tỷ lệ này chậm lại do tác động của Đại khủng hoảng và nhiều khu vực trải qua di cư thuần. Tốc độ tăng trưởng giảm cũng là do số lượng người Hoa nhập cư giảm đáng kể từ thập niên 1950.[77] Dân số người Hoa Indonesia tương đối lão hóa theo điều tra nhân khẩu 2000, có tỷ lệ nhóm dưới 14 tuổi thấp nhất và có tỷ lệ nhóm trên 65 tuổi cao thứ hai tại Indonesia. Tháp dân số của họ có đáy hẹp với gia tăng nhanh chóng cho đến nhóm 15-19 tuổi, biểu thị một sự suy giảm số lượng tuyệt đối các ca sinh từ năm 1980. Tại Jakarta và Tây Java, dân số đạt đỉnh trong nhóm 20-24 tuổi, biểu thị suy giảm tỷ suất sinh từ năm 1975. Phần trên của tháp biểu thị suy giảm đều khi độ tuổi tăng lên.[87]

Các cộng đồng di cư

Nửa cuối thế kỷ 20, các tân di dân bắt đầu chuyển từ Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác đến các khu vực công nghiệp hóa cao hơn trên toàn cầu. Mặc dù những người di cư này sở hữu một di sản Trung Hoa, song họ thường không được xác định như vậy; xu hướng này tiếp tục cho đến nay.[88] Tồn tại vài ước tính độc lập về dân số người Hoa Indonesia cư trú tại các quốc gia khác. The Australian People của James Jupp ước tính rằng một nửa trong số 30.000 người Indonesia cư trú tại Úc vào cuối thập niên 1990 thuộc dân tộc Hoa, và họ hợp nhất với các cộng đồng người Hoa khác.[89] Tại New Zealand, nhiều di dân cư trú tại các khu ngoại ô của Auckland sau khi 1.500 người tìm kiếm tị nạn sau biến động 1998, trong đó hai phần ba được cấp quyền cư trú.[90] Học giả người Úc Charles Coppel cho rằng họ cũng cấu thành một đa số lớn những Hoa kiều hồi hương cư trú tại Hồng Kông. Mặc dù không thể tính chính xác số lượng này, song các nguồn tin tức đưa ra các ước tính dao động từ 100.000 đến 150.000 trong thập niên 1980.[lower-alpha 5] Trong số 57.000 người Indonesia cư trú tại Hoa Kỳ vào năm 2000, một phần ba được ước tính thuộc dân tộc Hoa.[91] Có ước tính rằng 60% người Mỹ gốc Indonesia cư trú tại miền Nam California là người gốc Hoa. Các gia đình này thường cư trú tại Indonesia từ vài thế hệ và có thể đã kết hôn với "pribumi".[92] Tại Canada, chỉ một thiểu số trong cộng đồng người Hoa Indonesia nhập cư nói một phương ngôn Trung Hoa. Mặc dù các gia đình quan tâm đến tìm lại truyền thống dân tộc của họ, song các trẻ sinh tại Canada thường không sẵn lòng học tiếng Indonesia hay tiếng Hoa.[93]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Indonesia_gốc_Hoa http://articles.chicagotribune.com/1998-03-18/news... http://www.ethnologue.com/show_country.asp?name=ID http://afp.google.com/article/ALeqM5gZ68H857ADsOp8... http://books.google.com/?id=aSEJqSQS7wkC&pg=PA179&... http://books.google.com/?id=ggyl2FSzXvgC&pg=PA12&d... http://books.google.com/books?id=pcRlgZttsMUC http://www.nytimes.com/1998/06/28/magazine/the-cap... http://www.nytimes.com/2006/04/27/opinion/27iht-ed... http://majalah.tempointeraktif.com/id/arsip/2007/0... http://www.thejakartapost.com/news/2008/05/17/film...